Cây mai cần được chăm sóc hợp lý để cây sinh trưởng, phát triển tốt và đặc biệt là ra hoa đúng vào dịp Tết. Cây mai cần được chăm sóc như thế nào? Bạn phải lưu ý những gì nhé! Cùng tìm hiểu thêm 3 giai đoạn chăm sóc đặc biệt cho cây mai để chuẩn bị đón Tết.
1. Giai đoạn phục hồi và tăng trưởng
Giai đoạn phục hồi và tăng trưởng (từ sau tháng 1 đến tháng 5 Âm lịch)
Cây mai vừa nở hoa xong sẽ yếu và cần thời gian để phục hồi. Nên bạn cần cắt bỏ toàn bộ hoa tàn, trái trên cây để cây không mất sức. Với cây mai chưng trong sảnh các công ty, phòng khách thì khi đưa ra ngoài trời để tầm 5 – 7 ngày cho cây thích nghi lại mới tiến hành cắt tỉa.
Sau 1 đến 1.5 tháng cây ổn định lại và sinh trưởng bình thường, nên xả tàn cho cây để cây ra ngọn và chồi mới. Bạn cần cắt bỏ các cành cơm, cành mọc hướng vào trong. Chúng ta tỉa từ ngọn xuống cho cây theo hình tàn thông (cánh phía dưới dài hơn phía trên) để cây nhận được nắng đều hơn.
Cần bón những loại phân kích thích cây ra rễ (Atonik, N3M,…), đâm chồi, tược mới (NPK 20-20-15, Humic).
Xem thêm Hoa mai vàng ngày tết và ý nghĩa của hoa mai vàng trong cuộc sống
2. Giai đoạn tạo mầm hoa và nuôi nụ
Giai đoạn tạo mầm hoa và nuôi nụ (từ Tháng 6 đến Tháng 9 Âm lịch)
Nếu cây phục hồi tốt thì giai đoạn này ít tốn công chăm sóc hơn. Bạn chỉ cần tỉa bỏ các cành vượt để cây cân đối, đẹp hơn. Có thể uốn các cành theo ý muốn để cây có dáng, thế đẹp
Để cây hình thành nụ, bạn tăng cường bón phân có tỷ lệ Lân cao để cây phân hóa mầm hoa. Bạn nên dùng phân NPK (16-12-8-11 TE) hoặc DAP để bón cho cây. Có thể kết hợp siết nước vào tháng cuối để đẩy nhanh quá trình ra nụ mai vàng của cây. Không nên dùng các chất kích thích để ép cây ra nụ, dễ làm cây bị suy.
Cần phòng trừ sâu đục thân, bọ trĩ, nhện đỏ trên cây, tránh chúng gây hại bộ lá.
3. Giai đoạn dự trữ năng lượng và ra hoa
Giai đoạn dự trữ năng lượng và ra hoa (từ sau Tháng 10 Âm lịch đến khi chuẩn bị lặt lá)
Cây ngưng sinh trưởng, các lá già và cành bắt đầu nhú nụ nhỏ. Nụ hoa mai được bao bọc bởi các vỏ lụa màu nâu. Lúc này, bộ lá cây có vai trò dự trữ năng lượng để nuôi hoa. Vậy nên nếu bộ lá của cây mai bị bệnh, vàng úa hay rụng sớm thì cây dễ nở sớm. Ngược lại nếu cây vẫn còn đang ra lá non thì cây có thể sẽ nở hoa muộn.
Xem thêm Hướng dẫn chọn mai vàng ngày tết , giống mai vàng đẹp chưng tết
Bạn cũng có thể dùng phân bón với liều lượng và tỷ lệ phù hợp để cho cây có thể ra hoa nhanh hoặc chậm hơn. Bón thêm Đạm để cây giữ được bộ lá xanh lâu hơn, nụ và hoa sẽ lớn chậm lại. Nếu cây có hiện tượng nở muộn thì ưu tiên bón những loại phân Lân, Kali cao. Nhưng lưu ý không nên quá làm dụng hay phụ thuộc vào phân bón quá nhiều.
Nên thường xuyên tưới rửa lá cây mai vào sáng sớm nếu chỗ bạn có sương muối. Trước khi lặt lá cần dọn sạch cỏ trong chậu hay khu vực xung quanh gốc cây.